Cách đề pa khởi hành ngang dốc cầu B2

Khi thi sách hạch giấy phép lái xe hạng B2, hầu như ai cũng sợ con dốc cầu tử thần. Theo cá nhân mình thì nếu vượt qua được con dốc này thì gần như 70% khả năng sẽ đậu phần thi sa hình. Hôm nay mình sẽ hướng dẫn tới các bạn hai phương thức đề pa dốc cầu đó là phương pháp dùng phanh tay và phương pháp dùng phanh chân. Mỗi phương pháp có một ưu và khuyết điểm riêng, và tùy theo giáo viên của bạn dạy bạn dùng cách nào. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình, đối với các bạn yếu bài dốc cầu hoặc đã rớt bài dốc cầu nhiều lần rồi, thì cách sử dụng phanh tay sẽ hợp và khả năng đậu bài thi sa hình trong lần tới sẽ cao hơn.

Cách 1: Sử dụng phanh tay

Theo cá nhân mình thì tỉ lệ giáo viên ở Việt Nam dạy học viên lên dốc cầu bằng phanh tay là rất ít. Tuy nhiên ở Nhật Bản thì hầu hết giáo viên lại dạy cho học viên sử dụng cách này. Ngày trước lúc đi thi bằng lái B2 tại Việt Nam mình cũng sử dụng theo cách dùng phanh tay này và rất dễ dàng vượt qua bài dốc cầu.

Ưu khuyết điểm:

  • Ưu điểm: Khả năng thành công cao vì rất khó bị chết máy, dù xe mới hay cũ, garanti yếu hay mạnh, bạn chỉ cần áp dụng đúng trình tự các bước thì kết quả sẽ như nhau.
  • Khuyết điểm: Thao tác nhiều và tốn thời gian, yêu cầu cần tập luyện kỹ nếu không thì dễ nhầm lẫn.

Trình tự thực hiện:

  1. Đạp côn và thắng dừng xe tại điểm căn.
  2. Tay phải bóp khóa hãm và kéo phanh tay hết hành trình, sau đó tay phải vẫn bóp khóa hãm và giữ phanh tay ( mục đích là để ở bước cuối hạ phanh tay xuống sẽ dễ dàng và không bị kẹt).
  3. Nhấc chân phải ra khỏi chân thắng chuyển sang chân ga, nhẹ nhàng đệm ga nhìn vòng tua máy lên 3000 vòng hoặc hơn một chút thì dừng lại giữ nguyên trạng thái đó chuyển sang bước 4.
  4. Nhả chân côn từ từ sao cho vòng tua máy từ 3000 vòng giảm xuống còn khoảng 1500 vòng hoặc khi nào thấy đầu xe nhổm lên kiểu xe muốn chạy thì giữ nguyên trạng thái đó và chuyển sang bước 5.
  5. Tay phải hạ phanh tay từ từ, xe sẽ tự bò qua dốc.( Nếu bạn hạ phanh tay mà xe đứng yên hoặc tụt dốc nhẹ, thì có thể đệm thêm ga đồng thời nhả thêm 1 ít côn thì xe sẽ lên)

Video tham khảo:

Cách 2: Sử dụng phanh chân

Cách sử dụng phanh chân tuy nhanh gọn lẹ tuy nhiên đối với học viên và người mới tập lái thì thường họ thực hiện không tốt vì chưa quen với việc phối hợp chân ga, chân côn hoặc cảm nhận độ rung của xe. Trường hợp dốc cao hoặc kẹt xe thì sử dụng cách này có một chút rủi ro vì nếu làm không tốt xe sẽ tụt dốc gây va chạm với xe phía sau.

Ưu khuyết điểm:

  • Ưu điểm: Thao tác nhanh, gọn lẹ dễ nhớ.
  • Khuyết điểm: Cần phải cảm nhận chân côn tốt, nếu không biết cảm nhận chân côn và độ rung của xe hoặc lúc thi gặp xe lạ, không đúng với xe tập thì khả năng để tuột dốc hoặc chết máy rất cao.

Trình tự thực hiện

  1. Đạp côn và thắng dừng xe tại điểm căn.
  2. Chân phải vẫn đạp thắng, chân trái nhả côn từ từ cho đến khi nào xe rung lên ( hoặc vòng tua từ 500 tới 600 vòng 1 phút)
  3. Chân phải nhả từ từ bàn đạp thắng, nếu xe bò lên dốc được thì để nguyên trạng thái đó chờ xe bò lên dốc, ngược lại nếu xe đứng yên tại chỗ hoặc bị tụt dốc nhẹ thì ngay lập tức thực hiện tiếp như bước 4.
  4. Nếu thực hiện bước 3 xong mà xe vẫn chưa lên thì chân phải nhanh chóng chuyển từ bàn đạp thắng sang bàn đạp ga, đệm nhẹ ga và đồng thời nhả thêm côn theo công thức “côn ra, ga vào” thì xe sẽ đi

Lưu ý ở bước 3, nếu bạn nhả chân thắng ra mà thấy xe tụt dốc nhanh và mạnh thì có nghĩa là côn bạn nhả quá ít, chưa đủ thì hãy nhanh chóng đạp côn và thắng cho xe dừng lại hẳn và làm lại từ đầu ( từ bước 2).

Video tham khảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *