GEISHA- NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN

Xuôi theo chiều dài lịch sử phát triển của xã hội thì những nét văn hóa truyền thống xa xưa dần trở nên cũ kỹ và phai màu và thậm chí là biến mất. Văn hóa về những cô gái Geisha cũng dần trở nên mờ nhạt và đi vào dĩ vãng. Hôm nay Hello Nhật Bản sẽ cùng các bạn tìm hiểu đôi nét về Geisha- nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

1. Định nghĩa “Geisha”

Geisha được dịch sang tiếng Việt nghĩa là “nghệ nhân”. Tức chỉ những người con gái được đào tạo từ bé các hình thức văn hóa nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Có thể tạm so sánh Geisha tương đồng như ả đào ở Việt Nam thời xưa. Quan điểm cho rằng Geisha giống như gái điếm là một ý kiến sai lầm. Họ không mang trinh tiết của mình ra để mua bán thường xuyên, hằng ngày hoặc có những hành động, lời nói khiếm nhã. Geisha hiểu đơn giản là những người phụ nữ trình diễn nghệ thuật, buôn bán kỹ năng của mình.

Các kỹ năng cơ bản của một Geisha

  • Trà đạo: Bao gồm các nghi lễ pha trà, rót trà, kiến thức về trà sự.
  • Hoa đạo: Nghệ thuật cắm hoa.
  • Đàn: Thông thường các Geisha sẽ sử dụng đàn Shamisen hay Samisen, Koto.
  • Ca: Các bài hát dài (Nagauta) hoặc ngắn (Kouta).
  • Vũ: Các điệu múa truyền thống như Nihon buyo, Tsurukame, Fujimusume, Sakura …
Cô gái Geisha đang rèn luyện kỹ năng của mình

Vậy khi nào thì khi nào Geisha sẽ mang trinh tiết của mình ra để bán? Đó là khi họ đạt đến một độ tuổi và trình độ kỹ năng nghệ thuật nhất định. Sau đó, Geisha sẽ được tổ chức một buổi đấu giá đêm đầu tiên của mình để tìm kiếm một người đàn ông giàu có, quyền lực làm người bảo trợ cho mình (Danna). Người đàn ông này đóng vai trò là người đầu tiên của Geisha và chăm sóc, bảo vệ họ trước những khó khăn, nguy hiểm nhất định. Mối quan hệ này mang tính gắn bó suốt đời.

Phân biệt Geisha và Maiko, Oiran

Chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm Geisha và Maiko. Maiko là những người học việc có độ tuổi còn rất trẻ từ 14- 16 tuổi, tương lai có thể sẽ trở thành Geisha nếu học tập xuất sắc, còn nếu không thì họ sẽ chỉ loanh quanh giúp việc suốt đời cho đến khi trả hết nợ. Maiko bình thường sẽ phải làm việc, lau dọn nhà cửa, đi theo và chăm sóc cho các Geisha khác. Nếu được chọn, Maiko sẽ được cho đi học nghệ thuật và nhận sự dẫn dắt từ một đàn chị Geisha khác.

Tiếp theo, đó là sự phân biệt giữa Geisha và kỹ nữ Oiran- những người con gái lả lướt, làm viêc trong nhà thổ buôn bán trinh tiết có từ thời Edo. Oiran và Geisha đều được học những kỹ năng tiếp khách mang tính truyền thống. Nói đúng hơn Oiran là kỹ nữ hạng sang.

Hình ảnh cô gái Geisha và người học việc Maiko

2. Nguồn gốc của văn hóa Geisha

Một số hình ảnh của các nàng Geisha thời kỳ Edo

Tiền thân của Geisha là những người phụ nữ làm việc trong các đền thờ. Họ phục vụ trà và bánh. Lâu dần thì có thêm cả rượu và các món đồ ăn khác. Sau dần phục vụ thêm cả các kỹ năng khác như múa, đàn, hát …Geisha ra đời cách đây hơn 300 năm vào thời kỳ Edo.

Một yếu tố nữa tác động đến sự hình thành của văn hóa Geisha. Đó là tinh thần võ sĩ đạo, những con người thuộc tầng lớp cao quý yêu thích những gì đẹp đẽ, hưởng thụ các loại hình văn hóa nghệ thuật. Từ đóm Geisha ra đời, đáp ứng các nhu cầu cần thiết trên.

Giai đoạn trước có các Geisha là nam được gọi là Honko hay Taikomochi. Tới thời kỳ Meiji, Geisha được mặc định là chỉ cho người phụ nữ. Các Geisha nam cũng dần dần biến mất.

3. Trang phục, trang điểm của Geisha

Cách ăn mặc và trang điểm của Geisha cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy tắc. Kết hợp hài hoà với nhau trên cơ thể tạo nên vẻ đẹp đầy gợi cảm, nữ tính. Đồng thời, đây cũng là yếu tố giúp phân biệt giữa Geisha, Maiko và Oiran.

Trang phục và cách trang điểm của một Geisha

Trang phục

Những bộ kimono của geisha thường có nhiều màu sắc, thắt lưng Obi to. Màu sắc và hoa văn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, sự kiện …Geisha thường mang Zori hoặc guốc gỗ Geta.

Ngoài ra còn có thể có thêm áo khoác, tất Tabi trắng… Những bộ trang phục của Geisha vô cùng cầu kỳ và tinh tế. Geisha chỉ mặc những bộ kimono được dệt truyền thống. Bởi vậy, thời gian để gia công hoàn thành có thể lên đến vài năm.

Đàn ông Nhật nghĩ về cổ và lưng của người phụ nữ như đàn ông Trung Quốc nghĩ về đôi chân đàn bà. Chính vì vậy mà Geisha mặc kimono có cổ trễ thấp đằng lưng đến mức có thể nhìn rõ mấy đốt sống trên cùng. Một vành cổ mang linh hồn. Cần cổ dài lấp ló phía sau của Geisha được vẽ ba đỉnh nhọn búp măng Sanbon – ashi (ba chân). Đó là hình ảnh khêu gợi, ấn tượng. Phần lưng lộ ra này cũng sẽ được phủ lên một lớp phấn trắng.

Vốn dĩ là con người của nghệ thuật, am tường sâu sắc các văn hóa truyền thống. Đồng thời được rèn giũa từ trường lớp, các thao tác, cử chỉ và di chuyển của Geisha làm tôn lên nét tao nhã của trang phục kimono lẫn cơ thể chính họ.

Trang điểm

Để họa nên được khuôn mặt của các nàng Geisha cần có rất nhiều các bước, kỹ năng. Sẽ có người phụ trách chuyên giúp đỡ trong việc này. Đầu tiên, họ sẽ bôi một lớp kem dưỡng bảo vệ da khỏi lớp nền trắng bóc được làm từ bột gạo. Sau đó là bước tạo khối, tô khóe mắt và kẻ chân mày. Cuối cùng là tô một lớp son đỏ rực nhưng không tô hết tất cả. Vì Geisha quan niệm việc tô son như vậy sẽ giúp cho mình có một đôi môi căng mọng, khép nép tựa cánh hoa đào.

Hình ảnh của cô gái Geisha và người bảo trợ của mình

Vậy tại sao các Geisha phải tô mặt trắng? Thật ra điều này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên đó chính là sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ thời Heian. Những cô gái Trung Quốc có xu hướng làm đẹp với kiểu trang điểm da trắng tinh khôi như sứ, giúp họ nổi bật trên sân khấu hay cả đám đông. Quan niệm thẩm mỹ lúc bấy giờ cho rằng da trắng là vẻ đẹp hoàn mỹ cần hướng đến.

Cũng có ý kiến cho rằng, khuôn mặt trắng của các nàng Geisha hay nghệ nhân kịch No sẽ có tác dụng giống như một chiếc gương, hút mắt khán giả. Để từ đó, thông qua họ những người khán giả có thể tự soi chiếu lấy bản thân mình. Đồng thời, lớp da mặt trắng sẽ giúp các Geisha giấu được những biểu cảm của mình.

4. Cách thức làm việc của Geisha

Cô gái Geisha đang trình diễn trong một bữa tiệc

Geisha thường sẽ làm việc vào buổi tối. Họ sẽ được người mời và cho xe đến đưa đón. Dĩ nhiên, những người có khả năng mời được Geisha sẽ vô cùng giàu có, quyền lực. Tại buổi tiệc, các nàng sẽ biểu diễn những tài năng nghệ thuật của mình. Geisha vẫn được trả lương, trợ cấp về trang phục, ăn uống, nơi ở… và chịu sự quản lý từ người mẹ nuôi.

Geisha sẽ phải làm việc để trả hết số nợ trong bốn năm làm Maiko bao gồm học tập, ăn ở và cả các chi phí phát sinh thêm như đánh vỡ một ly trà, làm hỏng một món đồ… Sau đó có thể ra ngoài để làm tự do, không có sự hỗ trợ từ phía sau.

Geisha cũng có thể kết hôn, điều này đồng nghĩa với việc họ bắt buộc phải giải nghệ. Nhưng trước hết, họ vẫn phải trả cho xong số nợ của mình.

Geisha là một nghề. Thậm chí là một ước mơ mà rất nhiều đứa trẻ theo đuổi. Nó không phải là sự nhơ nhớp, đáng xấu hổ hay kỳ thị trong văn hóa Nhật Bản.

5. Văn hóa Geisha thời hiện đại

Ngày nay, với sự phai mờ của các loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Văn hóa Geisha cũng dần mất đi. Nếu trong đầu những năm hai mươi của thế kỷ XX thì ở Nhật Bản có khoảng tám mươi nghìn Geisha, còn ngày nay chỉ dao động dưới một nghìn người.

Dĩ nhiên, trong một nghìn người này rất hiếm có ai còn giữ được vẻ đẹp tinh túy, cốt lõi của Geisha truyền thống. Đâu đó vẫn là sự cách tân, đổi mới để thích nghi với nhịp sống hiện đại. Sự giảm sút này đến từ rất nhiều lý do khác nhau từ khách quan đến chủ quan: lịch sử xã hội, xu hướng thị trường, nhu cầu giải trí…

Hình ảnh Geisha trong thời đại ngày nay

Du khách Nhật Bản ngày nay muốn tìm kiếm để gặp hoặc trải nghiệm một buổi trình diễn của Geisha thì có thể đến Kyoto- nơi còn lưu giữ nhiều nhất những vẻ đẹp tinh hoa của văn hóa Geisha. Ngoài ra, ở tại Tokyo có thể đến Shimbashi, Asakusa và Kagurazaka.

Geisha ngày nay cũng được thuê để tham dự các buổi lễ, tiệc tùng khác nhau và được trả phí Ohana. Dĩ nhiên, họ cũng không phải là gái mại dâm.

Tóm lại các cô gái Geisha được xem là kết tinh vẻ đẹp của vùng văn hóa xứ sở Phù Tang. Họ sở hữu không chỉ vẻ đẹp về nhan sắc, ngoại hình mà cả những kỹ năng truyền thống đáng ngạc nhiên. Geisha dường như là một chứng nhân lịch sử đã trải qua bao thăng trầm của thời gian và cần được bảo tồn, phát triển.

“Càng chông chênh đời em càng lận đận
Gái hầu rượu gái nhập cuộc vui
Giả vờ bả lả giả vờ say
Giả nói giả cười chiều ý khách
Giấu đi giọt nước mắt tháng ngày dài”

(Gái hầu rượu– Kim Sơn)

Nhớ like share fanpage của Hello Nhật Bản để cập nhật những thông tin mới nhất: https://www.facebook.com/hello.jplifeguide

Xem thêm:

https://hellonhatban.com/tien-trinh-phat-trien-cua-kimono-nhat-ban/

One thought on “GEISHA- NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *